Thưa Luật sư tư vấn DFC, tôi có một vấn đề cần Luật sư tư vấn về vấn đề cố ý gây thương tích dẫn đến chết người như sau: “Em gái tôi mới lấy chồng (D), trước đó, em gái tôi đã có người yêu (X), nhưng vì lý do gia đình tôi ép gả nên em gái tôi phải lấy D. Vì thế, dù đã có chồng nhưng em gái tôi vẫn lén đi gặp X – người yêu cũ của em tôi. Biết được chuyện như vậy, nên gia đình tôi đã khuyên D đưa vợ lên Hà Nội làm ăn và D cũng nghe lời cùng em gái tôi lên sống ở trên đó. Mặc dù đã lên Hà Nội, em gái tôi vẫn cố tình lén gặp X bằng cách giả bị bệnh để đến bệnh viện và ở lại bệnh viện trong vài ngày điều trị, nhưng thực ra họ đang hẹn hò tại một khách sạn và sống với nhau. Gia đình tôi biết được nên đã báo cho D biết mối quan hệ giữa em tôi và X, đồng thời cho D biết số xe máy của X. Một hôm, vì mất điện nên D về nhà sớm hơn thường lệ thì thấy em tôi chuẩn bị quần áo nói là đi chữa bệnh tại bệnh viện. D giả vờ tin rồi đi từ từ ra ngõ thì phát hiện cách nhà khoảng 100m có một thanh niên đang ngồi trên một chiếc xe máy có biển số như gia đình tôi đã báo trước. Không thể kiềm chế được nữa, D đã nhặt một khúc gỗ bên đường to bằng cổ tay, dài khoảng 40cm, để sau lưng và từ từ đi đến đập thẳng vào đầu X đang ngồi trên xe gắn máy, vì không để ý D đi đến nên X không tránh kịp và bị chấn thương sọ não, chết trên đường cấp cứu tới bệnh viện.”
Luật sư cho tôi hỏi:
1. Trường hợp này thì em rể tôi sẽ phạm tội gì?
2. Em rể tôi phải chịu mức phạt bao lâu
3. Có cách nào để giảm nhẹ tội cho em rể tôi không?
Xem thêm: PHẠM TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH CHO NGƯỜI KHÁC XỬ LÝ RA SAO?
Luật sư DFC tư vấn về vấn đề cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật DFC qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006512, tôi là Ngân, Luật sư tư vấn Luật Hình sự trực tiếp cho bạn, với trường hợp của bạn hỏi về vấn đề cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo Bộ luật Hình sự 2015 thì tôi xin tư vấn như sau:
Để xác định hành vi của em rể bạn cấu thành tội phạm gì, cần xác định hành vi cầm khúc gỗ phang vào đầu C nhằm mục đích gây thương tích hay tước đoạt tính mạng của C. Căn cứ tình tiết mà bạn cung cấp, có thể hành vi của em rể bạn là hành vi cố ý gây thương tích, vì e rể bạn không chuẩn bị hung khí trước đó, mà việc cầm khúc gỗ phang vào đầu C là ngay tức khắc nhằm thỏa mãn sự tức giận. Em rể bạn cần chứng minh mình không mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Trong trường hợp này, hành vi của em rể bạn sẽ cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015.
Thứ hai, xét về mức phạt mà em rể bạn có thể phải chịu cần căn cứ vào hậu quả xảy ra. Trường hợp này, em bạn đã làm chết người, nên mức phạt căn cứ như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
…
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”
Như vậy, mức phạt tù mà em rể bạn có thể phải chịu lên đến 14 năm. Để em rể có thể được giảm nhẹ mức phạt, cần căn cứ vào các điều kiện về nhân thân mà pháp luật quy định tại Điều 51 BLHS như: tự thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ;…
Trên đây là phần tư vấn của tôi về câu hỏi tư vấn của bạn, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ lại với tôi qua địa chỉ dưới đây. Chào bạn!